Những ánh nắng cháy da dù đang vào mùa mưa, những cơn gió nóng được biển khơi thổi vào làm quay những chiếc “chong chóng” khổng lồ, những đồi cát trắng xóa, những ruộng muối như hàng ngàn tấm gương soi, hay khu dự trữ sinh quyển đang bảo vệ các hệ sinh thái đặc trưng, những loài động thực vật nguy cấp, quý hiếm. Tất cả đều thuộc về Ninh Thuận – vùng đất của nắng, gió, muối và là nơi lưu trữ những giá trị về đa dạng sinh học khiến nhóm nghiên cứu của Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE) cùng Nhật Hàn và Hoàng Khang, sinh viên năm 3 ngành Sinh học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP. HCM) không ngại dấn thân để tìm hiểu và khám phá.

Đây là lần đầu tiên đi cùng SIE với tư cách là những cộng tác viên, nên bản thân chúng tôi đã chuẩn bị một tinh thần thoải mái với tâm thế sẵn sàng và đầy sự hứng thú. Và chúng tôi cũng thấy rằng đây là một cơ hội hết sức bổ ích và tuyệt vời khi có thể học hỏi thêm kinh nghiệm đi thực địa và biết thêm được nhiều điều hơn, hiểu sâu và rộng hơn những bài học lý thuyết ở trường.

Ngày đầu tiên là ngày dành cho di chuyển, cả đoàn bắt đầu xuất phát vào lúc 15 giờ tại Bến xe Miền Đông Mới, sau hơn 7 giờ đồng hồ bằng xe khách và tới thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thì lúc đó trời đã tối. Sau đó cả đoàn di chuyển về chỗ ở tại trung tâm thành phố để thuận tiện cho việc di chuyển, khảo sát.

Hôm sau, mọi người trong đoàn chia làm 3 nhóm nhỏ do các anh chị nghiên cứu viên SIE dẫn đầu để đi khảo sát đa dạng sinh học của các nhóm loài sinh vật ở các khu vực khác nhau trong tỉnh. Ngày hôm đó, chúng tôi được tham gia vào nhóm côn trùng. Địa điểm đầu tiên trong ngày là khu vực đường ven biển. Công việc khảo sát bắt đầu từ việc học cách gấp giấy đựng mẫu, chuẩn bị các lọ chứa mẫu hay cách dùng vợt để bắt mẫu thành công. Mỗi loài côn trùng khác nhau sẽ có cách thu và bảo quản khác nhau, với các loài thuộc nhóm cánh cứng hoặc cào cào, châu chấu sẽ được bỏ vào trong lọ có tẩm amoniac, với các loài có cánh mỏng như bướm hay chuồn chuồn thì sẽ bỏ vào túi giấy.

Thành quả của một buổi sáng hăng say làm việc là chúng tôi đã thu nhận được khoảng trên 10 loài côn trùng và bắt đầu tập làm quen dần với công việc. Từ sáng đến trưa, cả nhóm tiến hành khảo sát dọc tuyến đường ven biển, sau đó di chuyển về lại khu vực gần Đầm Nại. Trên đường đi, chúng tôi có dừng lại gần khu chợ gần cầu Tri Thủy để quan sát, chụp hình cảnh vật, môi trường và con người nơi đây. Tại khu vực gần chân núi chủ yếu là đồi cát và cây bụi có gai nên ít côn trùng sinh sống vì vậy không có nhiều loài côn trùng sinh sống. Thay vào đó, nơi này có loài cuốn chiếu là loài chiếm ưu thế nên vì vậy rất dễ bắt gặp chúng trong các hốc đất hay dưới các bụi cây. Và từ nơi đây ta cũng có thể thấy cánh đồng quạt gió từ đằng xa, tạo nên một khung cảnh thích hợp cho việc ngắm nhìn, thư giãn và chụp những bức hình tuyệt đẹp. Sau một ngày làm việc năng suất thì cả nhóm về nghỉ ngơi, chuẩn bị cho ngày làm việc tiếp theo.

Hình 1. Ngày làm việc thứ nhất: a) Vợt bắt mẫub) Lọ đựng mẫu bọ cánh cứng và mẫu kích thước lớn; Các địa điểm khảo sát: c) Dọc đường ven biểnd) và e) Khu vực gần cầu Tri ThủyĐầm Nạif) Chân núi gần Đầm Nại.

Ngày thứ hai trong chuyến đi, chúng tôi đã được phân công qua một nhóm khác đó là nhóm cá, đây như một cơ hội tuyệt vời để có thể học hỏi thêm về kinh nghiệm thu và bảo quản các mẫu cá cũng như các thủy sinh khác. Đối với những loài cần thu mẫu DNA sẽ được bảo quản trong dung dịch cồn, còn đối với những loài chỉ cần quan sát hình thái thì được ngâm trong dung dịch. Và đã đến Ninh Thuận thì formol không thể nào không ghé thăm tháp Chăm. Tháp Po Klong Garai là một trong những tháp Chăm nổi tiếng được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Với kiến trúc độc đáo cùng màu gạch nung đỏ sẫm và được kết dính với nhau bằng kỹ thuật đặc biệt, ngọn tháp này đã tồn tại với tuổi đời gần 1000 năm mà vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ mặc cho thời gian trôi qua.

Hình 2. Tháp Po Klong Garai

Băng qua những cung đường đèo, những đoạn ổ gà dằn xóc, cuối cùng cả nhóm cũng đến vùng ngập mặn thuộc Đầm Nại. Khung cảnh nơi đây chia làm hai phần: một bên được bao phủ bởi các ngọn núi xa gần, cùng những hồ nuôi thủy hải sản của người dân nơi đây; bên còn lại là hàng rừng ngập mặn, gồm một số cây điển hình như: cây mắm, sứ biển, cây đước…

Hình 3. Ngày làm việc thứ hai: a) Sinh cảnh tại Đầm Nại, b) Mẫu cá vừa thu được, c) Bảo quản mẫu vật, d) Ao nuôi thủy sản, e) Rừng ngập mặn ở Đầm Nại.

Ngoài ra, tại nơi đây còn có những loài động vật thường thấy như cá, còng, tôm hay con hàu - loài 2 mảnh sinh sống dưới lớp bùn chiếm phần lớn tại nơi đây. Bên cạnh khung cảnh tươi đẹp ấy, vẫn có rất nhiều rác thải như lưới đánh bắt, túi nilon, hộp xốp,… do người dân không dùng nữa mà quăng đi, bị trôi dạt vào và tích tụ lại. Chúng tôi cũng bắt gặp thấy một hiện thực đó là các loài cua và cá ở đây sống và kiếm ăn trong các ao hồ đọng lại từ nguồn nước chảy ra bởi ống xả thải của người dân gần đó và các loài cây thì bị chậm phát triển do bộ rễ bị vướn phải các bịch nilon, lưới bắt cá và điều này chắc chắn đã một phần làm ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sinh sống của các loài động thực vật nơi đây. Đi sâu thêm chút nữa, làng bích họa Hòn Thiên đã ở trước mắt. Ngôi làng chứa đựng những bức tranh tường đầy thú vị, xinh đẹp cùng sự thân thiện, hiếu khách của con người nơi đây. Việc đi đến ngôi làng chứa đựng những bức vẽ vào buổi chiều tà ấy đã làm cho trong lòng chúng tôi cảm thấy một sự yên bình đến lạ thường giữa những xô bồ cuộc sống.

Hình 4. Ngày làm việc thứ hai: a) Làng bích họa Hòn Thiên, b) Hàu, một loại đặc sản từ Đầm Nại, c) Cửa ra của Đầm Nại tại chân cầu Ninh Chữ

Ngày cuối cùng trong chuyến đi, cả hai chúng tôi có nửa ngày để khảo sát côn trùng trong phạm vi thành phố. Địa điểm đầu tiên là một khu đất trống gần một nhà máy xi măng, nơi đó thưa dân sống, rộng rãi và um tùm cây cỏ. Có lẽ vì vậy mà có được khá nhiều loài côn trùng. Tiếp theo đó chúng tôi di chuyển đến các khu đất trống hoặc nơi nhiều cây cỏ trong nội thành nhưng có lẽ do thành phố đã phát triển có nhiều khu dân cư mọc lên không còn nhiều chỗ như thế. Buổi cuối cùng ở đây đã để lại nhiều sự tiếc nuối vì phải về sớm khi mà chưa trải nghiệm được nhiều. Bên cạnh đó chúng tôi cũng thấy rất vui khi ngày cuối cùng được phép tự do di chuyển và tham quan được nhiều nơi.

Hình 5. Ngày làm việc thứ ba: Khu vực khảo sát gần một nhà máy xi măng.

Để tổng kết lại thì đây là lần đầu tiên cả hai sinh viên năm thứ 3 ngành sinh học chúng tôi được trải nghiệm chuyến đi thực địa sát với thực tế. Chuyến đi đã mang lại cảm giác xa nhà lần đầu tiên để đến một vùng đất lạ, thỏa sức khám phá và tìm tòi cùng những thành viên của SIE. Đây cũng là một chuyến đi tuyệt vời, rất đáng để thử đối với những bạn có niềm đam mê đối với thiên nhiên, hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật hoang dã, hay những chuyến đi thực địa liên quan đến môi trường sống xung quanh chúng ta.

Tác giả: Nhật Hàn và Hoàng Khang

Tổ chức cộng tác
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Hành động vì môi trường
  • Bảo vệ động vật hoang dã
  • Tổ chức vì môi trường thế giới