Chương trình Vietnamazing (Việt Nam kỳ thú) được khởi xướng bởi Hiệp hội các vườn thú và thủy cung Châu Âu (EAZA) nhằm bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm và môi trường sống của chúng tại Việt Nam. Chương trình kêu gọi sự hỗ trợ từ các thành viên EAZA để thực hiện các dự án bảo tồn và hoạt động giáo dục môi trường, nâng cao nhận thức cộng đồng về đa dạng sinh học tại Việt Nam. Chương trình “Việt Nam kỳ thú” đã lựa chọn 9 nhóm loài mục tiêu, bao gồm: Ốc mộc lan (Bertia cambojiensis), Bọ que núi chúa (Nuichua rabaeyae), Cá bám đá hổ (Sewellia lineolata), Cá cóc việt nam (Tylototriton vietnamensis), Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi), Các loài ếch cây sần (Theloderma spp.), Vượn đen má trắng (Nomascus leucogenys), Rùa trung bộ (Mauremys annamensis) và Thằn lằn cá sấu việt nam (Shinisaurus crocodilurus vietnamensis).

Vào tháng 10 năm 2024, Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE) đã thực hiện một đợt khảo sát quan trọng tại Vườn Quốc gia Núi Chúa nhằm tìm kiếm lại sự tồn tại của loài bọ que Núi Chúa (Nuichua rabaeyae) sau 10 năm. Đoàn khảo sát gồm có Tiến sĩ Đặng Việt Đài và Cử nhân Phan Lâm Xuyên Viên (SIE) hợp tác cùng ông Jérôme Constant và ông Joachim Bresseel (chuyên gia về bọ que, tác giả mô tả loài bọ que Núi Chúa, thuộc Viện Khoa học Tự nhiên Hoàng gia Bỉ (RBINS)). Bên cạnh đó, đoàn khảo sát còn có sự có mặt của Cử nhân Nguyễn Thị Thu Hoài (Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam) , Tiến sĩ Linda Semeraro (RBINS), và hai thành viên chủ chốt của chương trình Vietnamazing: Giáo sư Tiến sĩ Thomas Ziegler (vườn thú Cologne, Đức) và Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quảng Trường (Viện Sinh Thái và Tài nguyên Sinh vật) cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ Ban quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Chuyến khảo sát thành công tốt đẹp, không chỉ tái ghi nhận sự tồn tại của loài, mà còn giúp thu thập dữ liệu quý giá về quần thể của chúng. Chuyến đi còn là cơ hội để các nhà nghiên cứu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, làm sáng tỏ hơn về đặc điểm sinh học và sinh cảnh sống của loài côn trùng đặc biệt này. Từ đó, đoàn đã thảo luận để đưa ra các biện pháp tối ưu cho việc nhân giống và phát triển các nghiên cứu có liên quan đến loài Bọ que Núi Chúa trong tương lai.

Hình 1: Đoàn khảo sát Bọ que Núi Chúa tràn đầy nhiệt huyết trước lúc lên đường tìm kiếm loài Nuichua rabaeyae

Hình 2: Loài bọ que Núi Chúa đã được tái ghi nhận sau 10 năm (nguồn: Thomas Ziegler)

Vào ngày 09/10/2024, SIE đã có chuyến tham quan cơ sở cứu hộ động vật của tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WAR), đây là một tổ chức đóng vai trò quan trọng trong chương trình Vietnamazing thông qua việc nghiên cứu, giáo dục cộng đồng, hợp tác và thực hiện các dự án bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm ở Việt Nam.

Mục đích chuyến tham quan là tìm hiểu quy trình chăm sóc và nhân nuôi động vật, cũng như các tiêu chuẩn thiết kế chuồng trại. Tại đây, đoàn đã được các chuyên gia của WAR hướng dẫn tận tình về quy trình tiếp nhận, chăm sóc và cứu hộ các loài động vật hoang dã bị thương hoặc bị săn bắt trái phép.

Hình 3: Hình ảnh đoàn Viện Sinh thái học Miền Nam tham quan tổ chức Bảo tồn động vật hoang dã (WAR)

Tiếp theo, đoàn đã tham gia một buổi thảo luận sôi nổi về kế hoạch phục hồi và bảo tồn loài Bọ que Núi Chúa (Nuichua rabaeyae), loài đại diện của một giống bọ que mới, vinh danh tên của vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận, nơi loài được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 2014. Các hoạt động ưu tiên bao gồm: 1) Đánh giá hiện trạng quần thể và xác định các yếu tố đe dọa; 2) Phát triển mô hình nhân nuôi bảo tồn; 3) Bảo vệ sinh cảnh sống tự nhiên của loài tại Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Chuyến khảo sát bọ que Núi Chúa và chuyến tham quan WAR của các thành viên SIE và các cộng sự kết thúc trong bầu không khí hào hứng và nhiệt huyết, từ đó củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Viện Sinh thái học Miền Nam và các đơn vị nghiên cứu bảo tồn trong và ngoài nước khác trong tương lai. Sự kết hợp giữa khảo sát nghiên cứu và thực tiễn bảo tồn chính là chìa khóa để bảo vệ động vật hoang dã và môi trường sống của chúng, đảm bảo sự tồn tại bền vững cho các loài đặc hữu như Bọ que Núi Chúa.

Các thành viên đều cảm thấy phấn chấn và đầy động lực, với nhiều kế hoạch sắp tới để tiếp tục nghiên cứu và triển khai các hoạt động bảo tồn hiệu quả hơn. Họ cam kết sẽ làm việc cùng nhau để tạo ra những giải pháp thiết thực, góp phần vào nỗ lực chung trong bảo vệ thiên nhiên Việt Nam.

SIE/Phan Lâm Xuyên Viên, Đặng Việt Đài

Tổ chức cộng tác
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Bảo vệ động vật hoang dã
  • Hành động vì môi trường
  • Tổ chức vì môi trường thế giới