Các loài Gà lôi Việt Nam Lophura edwardsi, Trĩ sao Rheinardia ocellata, Sao la Pseudoryx nghetinhensis, Mang Lớn Muntiacus vuquangensis và Thỏ vằn Nesolagus timminsi… chỉ được tìm thấy trong các cánh rừng mưa nhiệt đới ở dãy Trường Sơn dọc biên giới Việt Nam, Lào và một phần nhỏ ở Campuchia, cho thấy núi rừng Trường Sơn có đa dạng sinh học độc đáo các loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất. Tuy nhiên, các loài này đều đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi bẫy dây phanh tràn lan. Sinh cảnh tự nhiên ở phía nam của dãy Trường Sơn (Nam Trường Sơn) bao gồm: rừng thường xanh (tương tự khu vực Trung và Bắc Trường Sơn), và rừng lá kim (chỉ có ở Nam Trường Sơn) tạo nên sự khác biệt về địa sinh học của vùng. Hiện nay, có rất ít thông tin về đa dạng sinh học ở Nam Trường Sơn, bên cạnh đó, hiểu biết về ảnh hưởng của nạn săn bắt động vật hoang dã trái phép lên phân bố của các loài cũng còn rất hạn chế.

Nhằm bổ sung các thông tin đa dạng sinh học để hỗ trợ bảo tồn hiệu quả, các nhà khoa học Việt Nam (Viện Sinh thái học Miền Nam và Vườn quốc gia Bidoup–Núi Bà) đã phối hợp với các tổ chức nước ngoài như Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động vật hoang dã Leibniz và Đại học Kĩ thuật Berlin (Cộng hòa Liên bang Đức), Tổ chức Re:wild và Đại học California Davis (Hoa Kỳ), thực hiện một khảo sát bẫy ảnh trên khắp cao nguyên Langbiang, khu vực trung tâm của Nam Trường Sơn. Tổng diện tích khảo sát khoảng 790 km2 thuộc hai vườn quốc gia (Bidoup–Núi Bà và Phước Bình) và hai rừng phòng hộ đầu nguồn (Đa Nhim và Dran) (Hình 1). Khảo sát đã ghi nhận 46 loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất, bao gồm các loài quý hiếm, đặc hữu, của dãy Trường Sơn (Hình 2). Phân tích dữ liệu bẫy ảnh với các dữ liệu môi trường được thu thập từ ảnh vệ tinh cho thấy độ giàu loài cao nhất trong sinh cảnh rừng lá rộng thường xanh ở những khu vực khó tiếp cận (đại diện cho áp lực săn bắt thấp) và có độ dốc thấp (đại diện cho địa hình bằng phẳng) (Hình 3). Nhìn chung, kiểu rừng này có đa dạng sinh học các loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất cao hơn rừng lá kim. Kết quả phân tích/nội suy cho thấy có khoảng 16% các loài động vật trong khu vực nghiên cứu đã tuyệt chủng, trong đó, các loài thú lớn suy giảm nghiêm trọng nhất. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng săn bắt là nguyên nhân làm suy giảm đa dạng khu hệ động vật ở Langbiang, dẫn đến các khu vực dễ tiếp cận và xung quanh có mật độ dân cư lớn, mặc dù có sinh cảnh phù hợp, rất hiếm ghi nhận được các loài nguy cấp, quý, hiếm và đặc hữu. Nhằm bảo vệ các quần thể động vật nguy cấp còn sót lại, nghiên cứu đề xuất tăng cường nỗ lực tháo gỡ bẫy động vật ở ba khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao (A, B, C ở Hình 3).

Đọc thêm về nghiên cứu tại https://conbio.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1111/csp2.13093.


Hình 1. Điểm bẫy ảnh tại các khu vực nghiên cứu ở Nam Trường Sơn (Nguyen và nnk., 2024)


Hình 2. Các loài động vật  nguy cấp, quý, hiếm và đặc hữu ở Nam Trường Sơn

Hình 3. Dự đoán độ giàu loài các loài chim và thú kiếm ăn trên mặt đất ở cao nguyên Langbiang (hiệu chỉnh từ Nguyen và nnk., 2024)

Lê Tấn Quy & Nguyễn Thế Hoàng Long/SIE

Tổ chức cộng tác
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Tổ chức vì môi trường thế giới
  • Hành động vì môi trường
  • Bảo vệ động vật hoang dã