Được tổ chức bởi Hiệp hội Sinh học Bảo tồn (Society of Conservation Biology), Hội nghị Sinh học Bảo tồn Quốc tế (ICCB) là cơ hội gặp gỡ quan trọng của các nhà bảo tồn đa dạng sinh học trên toàn thế giới để trình bày các bài nghiên cứu, trao đổi bài học kinh nghiệm và ý tưởng, chia sẻ thành công và thất bại trong các khía cạnh liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học.
Hội nghị thứ 31 diễn ra tại thủ đô Kigali của Rwanda từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 7 năm 2023. Tham dự hội nghị có 1.128 đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có hai đại diện từ Việt Nam. Tại hội nghị, cử nhân Lê Tấn Quy, nghiên cứu viên từ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Động vật của Viện Sinh thái học Miền Nam (IAMS-VAST), đã trình bày nghiên cứu về môi trường sống của loài Cheo lưng bạc Tragulus versicolor, một loài thú chỉ có ở Việt Nam. Đây là nghiên cứu trong khuôn khổ luận văn tốt nghiệp thạc sĩ của Quy tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM. Nội dung của bài thuyết trình nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ các sinh cảnh rừng khô hạn ven biển phía Nam Việt Nam, cũng như chỉ ra ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động chăn thả gia súc đến phân bố của Cheo lưng bạc trong khu vực nghiên cứu. Chuyến đi của Quy đến Kigali được tài trợ bởi Conservation Leadership Programme và Tiến sĩ Brian Gerber từ Đại học Rhode Island.
Hội nghị ICCB lần thứ 31, năm 2023 tại Kigali (Rwanda) (Nguồn ảnh: Jenna Parker)
Năm ngoái, dưới sự bảo trợ của Khoa Động vật học thuộc Đại học Cambridge, Quy cũng đã tham dự Hội nghị Sinh viên về Khoa học Bảo tồn (SCCS) lần thứ 21 tại Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) để chia sẻ phát hiện mới về hai quần thể Cheo lưng bạc được ghi nhận thông qua bẫy ảnh ở các sinh cảnh rừng tại miền Nam Việt Nam.
Hội nghị SCCS lần thứ 21, năm 2022 tại Cambridge (Vương quốc Anh)
Kết quả này đến từ nỗ lực hợp tác giữa Viện Sinh thái học Miền Nam và các đối tác trong và ngoài nước như Ban quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Viện Nghiên cứu Vườn thú và Động vật Hoang dã Leibniz (Đức), và re:wild (Hoa Kỳ) nhằm bảo vệ các cánh rừng khô hạn ven biển phía Nam Việt Nam, môi trường sống chính của Cheo lưng bạc.
Cheo lưng bạc, loài thú móng guốc duy nhất đặc hữu của Việt Nam (Nguồn ảnh: SIE, Leibniz-IZW, re:wild, GreenViet, Krong Trai NR)
SIE / Lê Tấn Quy