Những năm gần đây, việc sử các chỉ thị phân tử trong phân tích, nghiên cứu về phân loại học đã giúp tăng độ chính xác và cho thấy sự khác biệt rõ ràng hơn về mặt phân loại giữa các sinh vật.

Ngày 19/5/2023, nhà xuất bản Springer đã đăng tải nghiên cứu của Viacheslav Spirin và cộng sự về việc sử dụng các đặc điểm hình thái và thông tin của 4 chỉ thị phân tử (vùng gen ITS, ncLSU rDNA, TEF1, RPB1) để làm rõ về mặt phân loại học của các loài thuộc chi Pseudohydnum (bộ Auriculariales). Các mẫu phân tích trong bài báo được thu thập chủ yếu ở các nước, như: Nga, Phần Lan, Slovenia và Việt Nam.

Hình 1. b P. meridianum có cuống nấm rõ và quả thể màu sậm; c,d P. cystidiatum có kích thước nhỏ và cuống nấm rất ngắn, không hoàn chỉnh

Kết quả có sáu loài nấm mới được mô tả cho khoa học, trong đó ba loài được phát hiện tại nước ta, bao gồm: Pseudohydnum cystidiatum V. Malysheva & V. Dudka, P. placibile V. Malysheva & V. Dudka và Pseudohydnum meridianum V. Malysheva & Spirin. Hai loài đầu tiên được ghi nhận tại Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, tỉnh Cao Bằng và loài còn lại được thu tại phía Nam Việt Nam (VQG Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông và Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, tỉnh Kon Tum). Tất cả chúng đều sinh sống trên gỗ mục ở rừng hỗn giao thường xanh.

Hình 2 Quả thể của loài P. placibile có màu nhạt, không có lông trên bề mặt mũ

Theo nhóm tác giả, loài P. brunneiceps (Trung Quốc) và ba loài kể trên có vùng phân bố nhiệt đới–cận nhiệt đới ở Đông và Đông Nam Á. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều khảo sát để nhận định này trở nên chính xác hơn vì tính đến hiện tại chúng chỉ mới được ghi nhận ở một vài nơi.

Bằng phương pháp phân tích Bayes dựa trên vùng trình tự ITS–nc LSU rDNA, cây phát sinh loài của chi Pseudohydnum có 16 loài được xếp vào 7 nhóm riêng biệt. Đáng chú ý, hai loài mới tại Việt Nam (P. cystidiatumP. placibile) được xếp vào 1 nhóm riêng biệt, cho thấy chúng có khác biệt về nguồn gốc phát sinh so với các loài tham chiếu. Trong khi loài P. meridianum được xếp chung nhóm với loài P. brunneiceps, có thể thấy rằng 2 loài này có mối liên hệ phát sinh gần gũi

Hình 3 Hai loài ở Việt Nam tách thành một nhóm/dòng riêng

Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đề xuất một số đặc điểm quan trọng, cần được quan sát kỹ để có đầy đủ thông tin cho việc phân loại, cũng như mô tả loài mới trong nhóm này, cụ thể:

  • Bề mặt mũ nấm (pileus), màu sắc quả thể (basidiocarp), sự hiện cuống nấm (stipe)
  • Chiều rộng của cấu trúc bất thụ ở mũ và lớp sinh sản (contextual, tramal hyphae); hình dạng và chiều rộng của sợi nấm cuối cùng (hyphidia); kích thước của đảm sinh bào tử (basidia)

Thông tin chi tiết được đăng trên tạp chí Mycological Progress số 22: Spirin, V., Malysheva, V., Viner, I., Miettinen, O. (2023): Taxonomy and multigene phylogeny of Pseudohydnum (Auriculariales, Basidiomycota). Mycol Progress 22 (40). DOI: https://doi.org/10.1007/s11557-023-01895-4

SIE/Thành Lực/Kim Dung

Tổ chức cộng tác
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Hành động vì môi trường
  • Bảo vệ động vật hoang dã
  • Tổ chức vì môi trường thế giới