Bộ thảo mộc hay còn gọi là bộ sưu tập các mẫu thực vật được bảo quản và tồn tại gần 5 thế kỷ. Những nhánh cây, bụi cỏ với các bộ phận sinh sản như hoa, trái…được ép, sấy khô, đính bìa và dán nhãn này là nguồn tài nguyên thiết yếu cho các nhà khoa học. Việc sưu tầm các bộ mẫu này cho phép họ mô tả và phân biệt các loài cũng như ghi chép và nghiên cứu những thay đổi của thực vật và đa dạng sinh học theo thời gian, bao gồm cả những nghiên cứu liên quan đến biến đổi khí hậu. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi mà không phải lúc nào chúng ta cũng có thể tiếp cận được các mẫu tươi, nhất là có đầy đủ bộ phận quan trọng như hoa, quả để nghiên cứu.
Trong tác phẩm vừa mới xuất bản năm 2023 “In the Herbarium - The Hidden World of Collecting and Preserving Plants”, Maura C. Flannery đã kể về lịch sử hình thành của các bộ thảo mộc, từ những bộ sưu tập sớm nhất bởi Luca Ghini - nhà thực vật học thế kỷ 16, đến những bộ sưu tập của các nhà thơ, chính trị gia và họa sĩ, và cho đến việc số hóa những mẫu vật quý giá này ngày nay.
Bìa sách “In the Herbarium - The Hidden World of Collecting and Preserving Plants”
Tài liệu này cho thấy vai trò không thể thiếu của các tiêu bản thực vật trong việc theo dõi biến đổi khí hậu và tiến hóa phân tử. Các bộ sưu tập mẫu vật cũng có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, văn hóa và dân tộc học. Những loài thực vật được bảo quản này có thể được liên kết với những người bản địa đã sử dụng chúng, những nhà sưu tập đã tìm kiếm chúng và những nhà khoa học đã nghiên cứu chúng. Cuốn sách này chứng minh vai trò trung tâm của thảo mộc trong lịch sử nghiên cứu thực vật và giá trị liên tục của chúng, không chỉ đối với các nhà sinh vật học mà cả những người dùng hoàn toàn mới: người làm vườn, nghệ sĩ, sinh viên...
Maura C. Flannery hiện là giáo sư sinh học tại St. John’s University, New York, và là nghiên cứu viên liên kết tại A. C. Moore Herbarium, the University of South Carolina.
Tại Viện Sinh thái học Miền Nam, Bảo tàng thực vật Sài Gòn được thành lập vào Tháng 12 năm 2012 với mã ký quốc tế: SGN. Hiện tại, SGN đang lưu trữ khoảng 25.000 mẫu vật (bao gồm thực vật, rêu và nấm), phần lớn thuộc các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, trong đó có hàng chục mẫu chuẩn. Ngoài ra, ước tính mỗi năm tiếp nhập thêm trên 1.000 mẫu vật mới từ các chuyến du khảo.
Bộ sưu tập thực vật SGN được xây dựng với qui mô với trang thiết bị hiện đại, trở thành một địa chỉ quan trọng phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu và đào tạo thực vật học. Hiện tại SGN có chức năng lưu trữ, trao đổi mẫu vật, nghiên cứu và học tập.
Mẫu vật chuẩn của loài Ophiopogon tristylatus công bố năm 2013 đang được lưu trữ tại SGN Herbarium
Hệ thống tủ chuyên dụng để lưu trữ mẫu vật tại SGN Herbarium
Sách hiện đang có tại thư viện của Viện Sinh thái học Miền Nam cũng như được bán tại trang web nhà xuất bản YALE.
SIE/Xuân Bách – dịch và tổng hợp.