Từ Ngày 6 đến ngày 8 tháng 3 năm 2012, Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển (CBD) thuộc Viện Sinh học Nhiệt đới phối hợp với Viện Nghiên cứu Môi trường và Nông nghiệp Na Uy (Bioforsk) tổ chức một Khóa tập huấn truyền thông vì bảo tồn tại Thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Khóa tập huấn được tài trợ bởi Bioforsk.
Mục tiêu của khóa tập huấn là phát triển các công cụ và kỹ năng truyền thông cho các tổ chức bảo tồn, các Ban Quản lý Rừng đặc dụng nhằm cải thiện các hoạt động truyền thông cho mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Khóa tập hun với sự tham gia của khoảng 35 cán bộ truyền thông và nhà khoa học từ các cơ quan và tổ chức thuộc khu vực phía Nam như Vườn Quốc Gia (VQG) Tràm Chim, VQG Núi Chúa, VQG Bidoup Núi Bà, VQG U Minh Thượng, VQG U Minh Hạ, VQG Phú Quốc, VQG Mũi Cà Mau, Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Láng Sen, Lung Ngọc Hoàng, Sân chim Bạc Liêu, Rừng phòng hộ Hòn Đất- Kiên Hà, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Viện Hải dương học Nha Trang và CBD.
Trong ngày đầu tiên (ngày 06/03/2012), khóa tập huấn tập trung giới thiệu và chia sẻ các kinh nghiệm về hoạt động truyền thông vì bảo tồn, chẳng hạn như cách thức để xác định các nhóm đối tượng, cách truyền tải thông điệp hiệu quả và xây dựng uy tín (danh tiếng) lâu dài của tổ chức. Thành viên cũng đã học được cách quản lý và chỉnh sửa hình ảnh bằng cách sử dụng phần mềm Adobe Photoshop Lightroom 3 cũng như thực hiện hoạt động truyền thông vì bảo tồn thông qua Internet.
Trong ngày thứ hai, BTC đã tổ chức cho các thành viên tham gia một chuyến đi thực địa tại VQG Tràm Chim. Các học viên được chia thành hai nhóm. Nhóm 1 được giao nhiệm vụ thực tế là giới thiệu về đa dạng sinh học và các cộng đồng địa phương sống xung quanh VQG Tràm Chim thông qua sử dụng áp phích và videoclip. Nhóm 2 đã tiến hành xây dựng một chương trình truyền thông ngắn giới thiệu về dự án "Phát triển cảnh quan và sinh kế bền vững tại VQG Tràm Chim” bằng cách xây dựng một trang web.
Trong ngày cuối cùng, hai nhóm đã thiết kế một trang web/ bài trình bày dựa theo thông tin thu được từ chuyến đi thực địa. Các lời nhận xét của giảng viên cho bài trình bày của mỗi nhóm là những câu hỏi quan trọng nhằm thảo luận chung. Phần cuối cùng của khóa tập huấn là thảo luận về cuốn sách “Hướng dẫn truyền thông cho các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam”. Các học viên đã thống nhất một bản phác thảo cho quyển sách hướng dẫn truyền thông và các bước thực hiện tiếp theo.
Đây là một số hình ảnh của Khóa tập huấn:
Bài phát biểu chào mừng của Tiến sĩ Vũ Ngọc Long- Giám đốc Trung tâm CBD- Phó Viện trưởng Viện Sinh học Nhiệt Đới
Ông Nguyễn Văn Hùng- Giám đốc Vườn Quốc gia Tràm Chim đọc diễn văn Khai mạc
Bài trình bày về Quản lý hình ảnh của TS. Morten Gunther- Bioforsk
TS. Ola- Bioforsk trình bày về ‘‘Các công cụ kết nối trong truyền thông”
Đại biểu tham gia trong Khóa tập huấn (Nhóm 1)
Đại biểu tham gia trong Khóa tập huấn (Nhóm 2)
Thảo luận và xây dựng sách “Hướng dẫn truyền thông dành cho các khu rừng đặc dụng tại Việt Nam”