Được UNESCO công nhận năm 2015, Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang (thuộc tỉnh Lâm Đồng) là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam và đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Nơi đây được định hướng là một mô hình kiểu mẫu trong sử dụng bền vững tài nguyên tại địa phương, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa với việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng địa phương, cũng như phục vụ giáo dục và nghiên cứu khoa học.
Để phục vụ công cuộc bảo tồn và phát triển bền vững của Khu Dự trữ sinh quyển, việc nâng cao nhận thức của mọi người cũng như các tổ chức, đơn vị liên quan về tầm quan trọng của Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang là một trong những hoạt động nền tảng và xuyên suốt. Quyển sách này là một trong những nỗ lực nhằm đáp ứng mục tiêu trên.
Đây là kết quả phối hợp từ dự án “Quản lý Tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM)” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ từ năm 2016 và các dự án nghiên cứu của Viện Sinh thái học Miền Nam và Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà trong hơn 10 năm qua, đặc biệt là dự án “Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan - đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang” do Bộ Khoa học và Công nghệ tài trợ. Quyển sách được thiết kế với những hình ảnh và thông tin cơ bản về tính đa dạng sinh học của Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang, với nguồn dữ liệu tổng hợp từ nghiên cứu của các tác giả, các báo cáo kỹ thuật và các công bố khoa học khác.
Quyển sách đầu tay này chắc chắn chưa thể hiện được hết sự giàu có và phong phú của đa dạng sinh học ở Khu Dự trữ sinh quyển Langbiang. Các tác giả rất mong nhận được những ý kiến góp ý của độc giả. Mọi ý kiến đóng góp xin gửi về Viện Sinh thái học Miền Nam và Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Langbiang để các lần tái bản tiếp theo sẽ được hoàn thiện hơn.