Hôm nay, ngày 25/07/2017 tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã tổ chức hội thảo “Giới thiệu, phổ biến các nội dung và hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen”, nghị định này được Chính phủ ban hành vào ngày 12/05/2017 và có hiệu lực từ 01/07/2017.

Tham gia hội thảo có các đại biểu đến từ các sở ban ngành liên quan của các tỉnh thành phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, cùng các viện nghiên cứu và các trường đại học có chuyên ngành sinh học, công nghệ sinh học và tài nguyên môi trường.

Toàn cảnh hội thảo

Mở đầu hội thảo, đại diện Cục Bảo tồn Đa dạng Sinh học đã giới thiệu bối cảnh và quá trình xây dựng Nghị định về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen. Theo đó, dự án “Xây dựng năng lực cho việc phê chuẩn và thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam” (dự án ABS) được Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ thông qua Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) được thực hiện từ năm 2016 – 2020. Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản và Tổng cục Môi trường là đơn vị chủ trì. Mục tiêu của dự án ABS là nhằm góp phần bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học tại Việt Nam thông qua tăng cường năng lực quốc gia trong việc thực hiện Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ công bằng, hợp lí lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen.

Tiếp đến, Ban tổ chức đã giới thiệu nội dung của Nghị định số 59/2017/NĐ-CP về quản lý tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen đồng thời hướng dẫn quy trình, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiếp cận nguồn gen.Trong đó, Nghị định 59/2017 được kết cấu gồm 05 Chương, 28 Điều và Phụ lục bao gồm 09 mẫu văn bản có liên quan. Bên cạnh đó, khi triển khai Nghị định cũng phải triển khai song song với Luật Đa dạng Sinh học và các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Một số điểm đáng chú ý của Nghị định 59/2017, cụ thể như sau:

  • Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp, gia hạn và thu hồi Giấy phép tiếp cận nguồn gen (Điều 6) bao gồm:

    • Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Đối với các nguồn gen của giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống cây lâm nghiệp);
    • Bộ Tài nguyên và Môi trường (Đối với các trường hợp không thuộc quy định của Bộ NN&PTNT).
  • Đối tượng đăng ký và đề nghị cấp Giấy phép tiếp cận nguồn gen (Điều 7) bao gồm:

    • Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu tiếp cận nguồn gen để nghiên cứu vì mục đích thương mại, phát triển sản phẩm thương mại;
    • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có nhu cầu tiếp cận nguồn gen trên lãnh thổ Việt Nam vì bất cứ mục đích nào;

Các đại biểu tham gia thảo luận

Sau khi nghe các nội dung chính của Nghị định, các đại biểu đã thảo luận, cũng như những vướng mắc đang tồn tại tại cơ sở. Kết thúc hội nghị, đại diện ban tổ chức đã cám ơn sự chia sẻ kinh nghiệm của các đơn vị, cũng hứa là sẽ có những buổi tập huấn chuyên sâu tiếp theo để từng bước giới thiệu và hướng dẫn thi hành các nội dung của Nghị định.

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=189806

Huỳnh Quang Thiện /SIE

Tổ chức cộng tác
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Tổ chức vì môi trường thế giới
  • Bảo vệ động vật hoang dã
  • Hành động vì môi trường