Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 đã quyết định năm 2017 là “Năm quốc tế về Du lịch bền vững để phát triển”. Trên tinh thần đó, Công ước Đa dạng sinh học đã lựa chọn chủ đề “Đa dạng sinh học và Du lịch bền vững” để hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học năm 2017.

Việt Nam có các cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú. Trong đó, Hệ sinh thái (HST) vùng bờ (bao gồm rừng ngập mặn, rạn san hô và thảm cỏ biển là ba HST điển hình cho xứ sở nhiệt đới nóng ẩm của biển Việt Nam) chiếm phần lớn dọc theo ¾ diện tích bờ biển. Sự đa dạng về mặt tự nhiên và sinh học là một trong những thế mạnh và tiềm năng hấp dẫn du khách đến nghỉ ngơi và hưởng ngoạn thiên nhiên (là một đặc điểm quan trọng), tạo cơ sở chắn chắn cho du lịch Việt Nam phát triển. Nhưng, nhiều nơi sau khi du lịch phát triển mạnh mẽ thì suy giảm Đa dạng sinh học bởi việc khai thác cạn kiệt. Do vậy, việc xây dựng một cơ chế kết hợp hài hòa giữa bảo tồn Đa dạng sinh học và phát triển du lịch sử dụng tài nguyên du lịch một cách khôn khéo, tiết kiệm và bền vững là vấn đền cấp thiết.

Cần Giờ có thế mạnh về rừng và biển, bờ biển dài khoảng 20 km, rất đặc trưng, được gọi là biển phù sa vì thành phần chủ yếu là đất bùn sét. Biển Cần Giờ có vị trí chiến lược quan trọng, là cầu nối khai thác kinh tế biển, phát triển du lịch sinh thái biển đảo và còn là nơi neo đậu tránh gió rất thuận lợi cho các tàu thuyền nhưng thế mạnh này đến nay vẫn chưa khai thác hết tiềm năng. Tiềm năng thủy sản vùng biển Cần Giờ là rất lớn, ngoài việc khai thác thủy sản mang lại giá trị sản lượng đáng kể, bãi biển Cần Giờ có khả năng nuôi các loại nhuyễn thể như nghêu, tôm, cua mang lại giá trị kinh tế cao; đồng thời góp phần tái tạo, bảo tồn thiên nhiên và sinh vật biển. Rừng tự nhiên Khu Dự trữ Sinh quyển (KDTSQ) Cần Giờ có khảng 12.000 ha bao gồm 157 loài thực vật thuộc 76 họ. (35 loài cây rừng ngập mặn); 70 loài động vật không xương sống và thủy sinh; 137 loài cá; 9 loài lưỡng thê; 31 loài bò sát, khu hệ chim có 130 loài; khu hệ thú có 19 loài, 13 họ tất cả đều sống trên vùng đất ít ngập nước. Hệ động vật rừng ngập mặn Cần Giờ có giá trị cao về mặt bảo tồn đa dạng sinh học với trên 200 loài động vật, trong đó có 11 loài bò sát có tên trong danh sách đỏ của nước ta (Lê Đức Tuấn, 2002) (Lê Đức Tuấn, 2014).

Với những điều kiện có lợi như vậy, việc phát triển du lịch sẽ là một thế mạnh giúp tăng trưởng nền kinh tế tại địa phương. Hiện tại, Cần Giờ đang có những dự án, dịch vụ du lịch như:

      •           Lễ hội Truyền thống Ngư dân Cần Giờ, hàng năm luôn đa dạng hóa phần hội, mỗi năm thu hút khoảng 30.000 – 50.000 lượt khách đến tham dự. Đặc biệt năm 2013, Lễ Nghinh Ông Cần Giờ đã được Bộ Văn Hóa, Thể Thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản phi vật thể Quốc gia. Đây là cột mốc quan trọng cho sự phát triển của du lịch Cần Giờ (Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, 2016).

      •           Trùng tu tôn tạo Khu di chỉ khảo cổ học Giồng Cá Vồ (Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, 2016).

      •           Khu Di tích Lịch sử Căn Cứ Rừng Sác Cần Giờ được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số: 101/2004/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 12 năm 2004 của Bộ Trưởng Văn hóa và Thông tin. Di tích Lịch sử Căn Cứ Rừng Sác đã bàn giao toàn bộ về Bộ Tư lệnh Thành phố và đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng khu Căn Cứ Rừng Sác. Nơi đây hàng năm thu hút khoảng 123.000 lượt người đến tham quan, tìm hiểu (Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ, 2016).

Tuy nhiên, dự báo trong thời gian đến lượng khách đến KDTSQ Cần Giờ sẽ tăng dẫn đến áp lực làm thay đổi về cảnh quan thiên nhiên vùng ven biển KDTSQ Cần Giờ, chắc chắn sẽ suy giảm về tài nguyên rừng do nhu cầu xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; gia tăng về nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải từ du lịch. Những yếu tố trên sẽ có ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái vùng bờ và môi trường ven biển, nơi cư trú của nhiều loài sinh vật. 

Trong bối cảnh đó, Viện Sinh thái học Miền Nam đang chủ trì đề tài nghiên cứu “Xây dựng cơ chế hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học KDTSQ Cần Giờ” thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ với ba mục tiêu cụ thể: 1) Xác lập được cơ sở khoa học (lý luận và thực tiễn) cho sự hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học; 2) Xây dựng được cơ chế hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học; và 3) Xây dựng và thử nghiệm được mô hình giữa phát triển du lịch và bảo tồn đa dạng sinh học. Kết quả của đề tài đặc biệt là các mô hình du lịch dự kiến sẽ góp phần cho phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học hướng tới phát triển bền vững ở KDTSQ Cần Giờ.

Tài liệu tham khảo:

  1. CBD Convention on Biological Diversity, 2017. Notification: Theme of the International Day for Biological Diversity 2017. SCBD/MPO/AF/DAIN/fd/86231 (2017-007).

  2. ASEAN Tourism Strategic Plan 2011-2015. The ASEAN Secretariat Tourism Unit. Infrastructure Division 70A Jalan Sisingamangaraja Jakarta.12110 Indonesia.

  3. Viện Sinh thái học miền Nam, 2017. Thuyết minh đề tài nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ cấp quốc gia: Nghiên cứu xây dựng cơ chế, mô hình hợp tác giữa phát triển du lịch và bảo tồn bền vững đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ Sinh quyển Cần Giờ. TP. Hồ Chí Minh.

  4. Lê Đức Tuấn và cộng sự, 2002. Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhà xuất bản Nông nghiệp. Tp. Hồ Chí Minh.

  5. Lê Đức Tuấn, 2014. Tài nguyên môi trường hệ sinh thái nhân văn Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Nhà xuất bản nông nghiệp. Tp. Hồ Chí Minh.

  6. Uỷ ban Nhân dân huyện Cần Giờ, 2016. Báo cáo Tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình phát triển du lịch sinh thái huyện Cần Giờ giai đoạn 2011 - 2015. Cần Giờ.

Một số hình ảnh về Đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ

(Ảnh: Vũ Ngọc Long, Trần Văn Bằng và Tống Xuân Tám)

Rừng ngập mặn Cần Giờ

Người dân đánh bắt cá ven rừng ngập mặn Cần Giờ

 

Cà Kheo (Himantopus himantopus)

Choắt mỏ cong lớn (Numenius arquata)

Cóc đỏ Cần Giờ (Lumnitzera Littorea (Jack) Voigt)

Cá Sấu hoa cà (Crocodilus porosus Schneider)

Dơi chó cánh ngắn (Cynopterus sphinx)

Cá chìa vôi (Sygnathus schlegeli Bleeker)

a

Khỉ đuôi dài (Macaca fascicularis Wroughton)

Mỹ Hạnh/SIE


Tổ chức cộng tác
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Tổ chức vì môi trường thế giới
  • Hành động vì môi trường
  • Bảo vệ động vật hoang dã