• Thứ hai, Tháng năm 22, 2017

Trong thời gian năm 1926-1927, một mẫu da thú được Jean Delacour và Willoughby Lowe thu tại Bắc Kạn và mang về Bảo tàng lịch sử tự nhiên Anh và được miêu tả là loài Cầy rái cá với tên khoa học là Cynogale benenttii. Tuy nhiên, đến năm 1933, Pocock đã miêu tả lại mẫu da này và kết luận đó là loài mới cho khoa học và ông đã đặt tên cho nó là Cynogale lowei bởi những đặc điểm khác biệt so với loài Cynogale benenttii.

Hình 1. Mẫu da của loài cầy rái cá thu tại Bắc Kạn năm 1926-1927 (Nguồn: Roberton et al. 2017)

Sự tồn tại của loài cầy Cynogale lowei ở Việt Nam là một dấu hỏi lớn cho khoa học trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi các nhà khoa học mô tả năm 1933 cho đến nay. Rất nhiều khảo sát, nghiên cứu trên thực địa đã khong thu thêm được bất kỳ mẫu vật nào của loài và được công bố là tuyệt chủng ngoài tự nhiên vào năm 2007, theo Sách đỏ Việt Nam năm 2007.

Nhờ sự phát triển của khoa học, đặc biệt là sinh học phân tử và nhiều nghiên cứu về cấu trúc lông của các loài thú đã giúp các nhà khoa học làm sáng tỏ bí ẩn của loài Cynogale lowei. Quả thật, kết quả phân tích AND từ mẫu vật chuẩn tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh và phân tích cấu trúc, hình thái lông đã xác định mẫu da của loài Cynogale lowei thực chất là mẫu da của loài rái cá thường (tên khoa học là Lutra lutra) nhưng còn non. Kết quả nghiên cứu trên đã đặt dấu chấm hết cho một bí ẩn lớn của khoa học về loài Cynogale lowei và chính thức gạch tên loài này ra khỏi danh lục động vật hoang dã của Việt Nam nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Kết quả này cũng đã minh chứng rằng giống cầy rái cá Cynogale chỉ có phân bố trong vùng Sunda, là vùng nối liền từ Bán đảo Mã Lai đến các quần đảo của Indonesia. Bài báo khoa học minh chứng cho sự thật về loài Cynogale lowei được đăng tải trên tạp chí Small Carnivore Conservation.

Văn Bằng/SIE

Tổ chức cộng tác
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Tổ chức vì môi trường thế giới
  • Hành động vì môi trường
  • Bảo vệ động vật hoang dã