Bắt đầu từ năm 2001, ngày 22/5 hằng năm được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lựa chọn là Ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học (tiếng Anh: International Day for Biological Diversity) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về các giá trị sống còn của đa dạng sinh học với sự sống trên Trái Đất và kêu gọi các quốc gia, vùng lãnh thổ cùng chung tay hành động bảo vệ đa dạng sinh học toàn cầu. Kể từ đó, ngày Quốc tế về Đa dạng sinh học được kỷ niệm hằng năm bởi nhiều cá nhân và các tổ chức vì môi trường trên toàn thế giới thông qua nhiều hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội, sóng truyền hình, trong lớp học và ngoài thiên nhiên.

Năm 2020, chủ đề của ngày Quốc tế Đa dạng sinh học là “Our solutions in Nature” (tạm dịch: Các giải pháp của chúng ta đều có sẵn ở tự nhiên) nhằm một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng nền văn minh nhân loại được xây dựng dựa trên các nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Trái Đất đã ban tặng; và Trái Đất sẽ không thể tiếp tục nuôi dưỡng con người trong nhiều thế hệ tiếp sau nữa nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ để bảo vệ đa dạng sinh học.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2020, trong buổi sáng ngày 22/05/2020, Viện Sinh thái học Miền Nam đã tổ chức một buổi Mít tinh kỷ niệm nhằm trao đổi với các em học sinh của trường THCS Trần Hưng Đạo, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học và trách nhiệm của cộng đồng, qua đó nâng cao nhận thức và tìm kiếm các giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời giới thiệu và chia sẻ những hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học của Viện Sinh thái học Miền Nam.  

Đến tham dự buổi Mít tinh gồm có: Học sinh, Ban giám hiệu và các giáo viên của trường THCS Trần Hưng Đạo, Phòng Giáo dục – Đào tạo Quận 12, Công ty Yokohama Tyre, đại diện Ban chấp hành Đoàn Thanh niên một số Viện nghiên cứu phía Nam thuộc Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam, …

Trước khi chương trình bắt đầu, các bạn học sinh được chiêm ngưỡng không gian trưng bày mẫu vật bên ngoài hội trường. Bộ mẫu vật các loài bướm tuyệt đẹp ở miền Nam Việt Nam được chuẩn bị công phu và đẹp mắt khiến các bạn vô cùng thích thú. Các bạn đều không ngờ rằng thiên nhiên Việt Nam có rất nhiều loài bướm tuyệt đẹp như vậy.

Tiến sĩ Lưu Hồng Trường phát biểu khai mạc.

Tiếp theo đó, Tiến sĩ Lê Bửu Thạch – Phó Viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam – giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của Viện Sinh thái học Miền Nam. Công việc chính của các nhà khoa học ở Viện là rong ruổi trong các cánh rừng bạt ngàn trên khắp đất nước Việt Nam, thực hiện các chuyến khảo sát để tìm kiếm, nghiên cứu về các loài động thực vật, qua đó cung cấp các thông tin khoa học chính xác để các cơ quan ban ngành xây dựng và phát triển các chương trình bảo tồn đa dạng sinh học hiệu quả. Kể từ khi thành lập, Viện STHMN đã có nhiều công bố quốc tế về các loài thực vật, động vật mới cho khoa học, và phát hiện lại các loài tưởng chừng như đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên. Viện STHMN cũng hợp tác với nhiều tổ chức quốc tế uy tín về đa dạng sinh học để phát triển các dự án nghiên cứu bảo tồn loài ở Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Bửu Thạch giới thiệu về quá trình hình thành và phát triển của Viện Sinh thái học Miền Nam.

Sau bài phát biểu của mình, TS. Thạch giới thiệu TS. Vũ Ngọc Long – Nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam và là một nhà khoa học đã cống hiến hơn 30 năm cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học. TS. Long được kính trọng bởi các nghiên cứu viên của Viện STHMN và nhiều nhà bảo tồn trên khắp Việt Nam. TS. Long cũng được mọi người yêu mến và gọi bằng cái tên thân mật: “Bác Long”. Bác Long nhấn mạnh vai trò quan trọng của đa dạng sinh học trong cải thiện sinh kế của người dân Việt Nam. Bác cũng chia sẻ những trăn trở của bản thân mình về công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam. Không khí lặng đi khi mọi người lắng nghe câu chuyện buồn về những nỗ lực không mệt mỏi nhưng bất thành của cán bộ Viện để bảo vệ con cá sấu nước ngọt cuối cùng của thiên nhiên Việt Nam tại lưu vực Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Nhưng ngay sau đó, bác thể hiện sự hứng khởi của mình khi nhận thấy các bạn học sinh hồ hởi đặt câu hỏi về đa dạng sinh học. Bác khẳng định chính thế hệ trẻ như các bạn khiến bác tin tưởng vào một tương lai tươi sáng cho mọi dạng sống của thiên nhiên Việt Nam. 

TS. Vũ Ngọc Long – Nguyên viện trưởng Viện Sinh thái học Miền Nam kể câu chuyện về con cá sấu nước ngọt cuối cùng của thiên nhiên Việt Nam.

Tiếp tục chương trình, một số chuyên gia của Viện giới thiệu với mọi người về các công việc các nhà khoa học ở Viện đang thực hiện để bảo vệ đa dạng sinh học Việt Nam và một số thành quả nghiên cứu của Viện STHMN: loài cheo cheo lưng bạc đặc hữu Việt Nam lần đầu tiên được ghi nhận ngoài tự nhiên kể từ lần cuối được mô tả vào năm 2004, các loài chuồn chuồn mới được phát hiện cho khoa học ở vùng Tây Nguyên Việt Nam.

Các chuyên gia của Viện chia sẻ về hoạt động nghiên cứu khoa học.

Kết thúc chương trình, các bạn học sinh được mời xuống tham quan phòng trưng bày sản phẩm lâm sản ngoài gỗ: các vật dụng hằng ngày và sản phẩm thủ công  gắn liền với đặc trưng văn hóa của người đồng bào bản địa sống tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng các tỉnh phía Nam.

Không gian trưng bày sản phẩm thủ công truyền thống và lâm sản ngoài gỗ.

Buổi trao đổi kết thúc với lời hứa của các bạn học sinh sẽ gắn kết nhiều hơn trong tương lai với các hoat động bảo tồn ở Việt Nam, và Viện STHMN sẽ luôn mở cửa chào đón các bạn đến tham quan, tìm hiểu về đa dạng sinh học.

Viện Sinh thái học Miền Nam chào mừng Ngày Quốc tế Đa dạng Sinh học năm 2020.

Đoàn Thanh niên Viện Sinh thái học Miền Nam.

Tổ chức cộng tác
  • Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng
  • Chương trình trao đổi Lâm sản ngoài gỗ Việt Nam
  • Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Giới thiệu theo yêu cầu
  • Bảo vệ động vật hoang dã
  • Hành động vì môi trường
  • Tổ chức vì môi trường thế giới